NDO – Ngày 21/12, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam và Tổng đài 1900 2685 tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền.
Hội Truyền thông số Việt Nam trao Quyết định thành lập Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam. |
Sự kiện thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều đơn vị sản xuất nội dung số, bao gồm báo, tạp chí điện tử, nhà xuất bản sách, phát hành âm nhạc trực tuyến…
Sự bùng nổ toàn cầu của Internet, cùng với việc số lượng người dùng mạng xã hội của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng đã thúc đẩy những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng toàn cầu như YouTube, Facebook, TikTok… ngày càng đông đảo và đưa ngành nội dung số ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, không nằm ngoài xu hướng chung trên thế giới.
Các loại hình dịch vụ nội dung số đang phát triển mạnh mẽ trong các năm gần đây có thể kể đến như: giải trí trực tuyến (phim số, ảnh số, nhạc số); trò chơi điện tử trực tuyến (game online); nội dung tương tác, truyền hình thực tế (game show); giáo dục trực tuyến, thể thao trực tuyến; quảng cáo số…
Tuy đứng trước cơ hội lớn, nhưng các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như: hoạt động phân tán, chưa tạo nhiều giá trị cho cộng đồng; thiếu định hướng xây dựng mô hình phát triển bền vững; nhận thức chưa đúng hoặc chưa đủ về bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, luật pháp trong nước và quốc tế về lĩnh vực này…
Trước thực trạng đó, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) thành lập Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (Vietnam Digital Content Creation Alliance Club) nhằm tập hợp, kết nối các cá nhân và đơn vị hoạt động về sáng tạo nội dung số trong và ngoài nước. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm: ông Tạ Mạnh Hoàng, Giám đốc điều hành Sconnect Việt Nam (Chủ nhiệm); ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Phó Chủ nhiệm); bà Phạm Thị Quyên, Giám đốc vận hành MCM Online (Tổng Thư ký).
Với phạm vi rộng lớn của ngành nội dung số, các thành viên của Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam cũng đa dạng và sẽ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để chia sẻ những giá trị, kiến thức. Một số thành viên đầu tiên là: Báo Đại biểu nhân dân, Trung tâm quảng cáo dịch vụ truyền thông – Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí điện tử Viettimes, Công ty cổ phần Bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM, Công ty cổ phẩn sách Alpha Books, Trung tâm Thể thao điện tử VTVcab, Học viện đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect…
Cũng trong dịp này, Trung tâm Bản quyền số trực thuộc Hội truyền thông số Việt Nam chính thức ra mắt Tổng đài tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền 1900 2685, hoạt động từ ngày 21/12/2022.
Tổng đài 1900 2685 ra đời để tiếp nhận các thông tin báo cáo, phản ánh vi phạm bản quyền từ các cá nhân, tổ chức; với mục đích xây dựng chỉ số về vi phạm bản quyền đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung trên nền tảng Internet, đưa ra cảnh báo những khu vực thường xuyên sử dụng nội dung không có nguồn gốc đến các khán giả. Đồng thời truyền thông đến những đơn vị sở hữu nội dung những nền tảng sản phẩm có thể tạo doanh thu và đưa ra thông điệp về không tài trợ, trả tiền cho những nội dung vi phạm bản quyền.
Tổng đài có bộ phận hỗ trợ tiếp nhận thông tin và hướng dẫn cá nhân, tổ chức khai báo cung cấp bằng chứng vi phạm đúng cách. Thông tin cung cấp sẽ được chuyển tới các đơn vị có thẩm quyền để kiểm tra, giải quyết và xử lý vi phạm (nếu có). Kết quả sẽ được thông báo lại cho cá nhân, đơn vị khai báo sau khi vi phạm được xử lý.
Phạm vi các lĩnh vực hỗ trợ tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền bao gồm: mạng xã hội; báo chí, truyền hình; nghệ thuật, âm nhạc; sách báo, ấn phẩm, vi quảng cáo; các lĩnh vực sáng tạo nội dung khác …