Tham dự lễ kỷ niệm có: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành và các đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, thanh niên tiêu biểu trong cả nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. – Ảnh: Báo Nhân dân
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại lễ kỷ niệm. – Ảnh: Báo Nhân dân
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. – Ảnh: Báo Nhân dân
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. – Ảnh: Báo Nhân dân
Ông Vũ Gia Luyện, Phó Giám đốc Trung tâm Bản quyền số cũng vinh dự góp mặt trong buổi lễ kỷ niệm.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam triệu người như một đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Nhắc lại sự kiện ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và tuyên bố với thế giới rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Từ mùa thu Cách mạng năm 1945, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã kiên cường, anh dũng trải qua nhiều cuộc trường chinh vô cùng gian khổ, ác liệt, với sự hy sinh của hàng triệu người con ưu tú để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một lần nữa nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khó để xóa đói, giảm nghèo, lạc hậu và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chính trị-xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. An sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, đến hôm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia; đã vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương, một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Việt Nam là đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách.