Trong thời đại số, cơ hội mở ra rất lớn, thị trường không có giới hạn. Khi tham gia kinh doanh trên môi trường số, các doanh nghiệp cần phải xác định bước lên sân chơi toàn cầu, phải tuân thủ triệt để các quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ, bản quyền của không chỉ Việt Nam mà cả thông lệ chung quốc tế…
Chia sẻ với VnEconomy bên lề Hội thảo VMCC Marcom Talk #8: “Character Licensing & Character Marketing: Gia tăng kết nối, Mở lối doanh thu” nhân sự kiện “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” (IP Day) vừa diễn ra, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh sáng tạo nội dung số, nhấn mạnh nếu không tuân thủ các quy định về bản quyền, doanh nghiệp sẽ không thể duy trì tồn tại lâu dài, phát triển bền vững trên thị trường.
VI PHẠM BẢN QUYỀN “NHỨC NHỐI” HƠN TRÊN MÔI TRƯỜNG SỐ
Ông đánh giá thế nào về tình hình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền nói riêng trên môi trường số hiện nay?
Vấn đề vi phạm bản quyền nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung không phải bây giờ mới diễn ra. Không chỉ riêng Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng này.
Tuy nhiên, tình trạng này trở nên nổi cộm hơn trong thời gian gần đây bởi một phần xuất phát từ tốc độ tăng trưởng phát triển mạnh mẽ của ngành sáng tạo nội dung số nói riêng và lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung.
Ngoài ra, sự phát triển của các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian cũng như các nền tảng phân phối nội dung, đã giúp cho các nhà sáng tạo nội dung được tiếp cận với thị trường toàn cầu một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Khi đó, các sáng tạo đã tạo ra giá trị trên quy mô lớn hơn, giúp các nhà sáng tạo nội dung kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Đi cùng với đó, tình trạng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ để thu lợi cũng sẽ ngày càng nhiều hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến thực trạng vi phạm bản quyền trở nên “nhức nhối” hơn trên môi trường số.
Việt Nam đã có nhiều giải pháp cơ chế chính sách để ngăn chặn, xử lý tình trạng vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ. Ông đánh giá thế nào về việc thực thi quyền cũng như nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức trong bảo vệ bản quyền, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ phát triển kinh doanh?
Về hành lang pháp lý, năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Ngay sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 17/NĐ-CP/2023 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về Quyền tác giải, quyền liên quan vào đúng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4/2023).
Trong Nghị định đã có các điều khoản quy định, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian – một trong những điểm vướng mắc then chốt gặp phải khi xử lý vi phạm bản quyền trong thời gian qua trên môi trường số.
Vi phạm bản quyền nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung sẽ gắn bó mật thiết giữa các đối tượng liên quan gồm: các chủ sở hữu nội dung, chủ sở hữu trí tuệ; các khách hàng thụ hưởng và vai trò của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan.
Việt Nam đã có các quy định đã rất rõ ràng, cụ thể cơ chế để xử lý vi phạm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, các nền tảng xuyên biên giới khi kinh doanh ở Việt Nam cần phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Tôi cho rằng hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ, bản quyền đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, để thực thi các quy định bảo vệ bản quyền, nhất là trên môi trường số cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, giữa các cơ quan thực thi bản quyền, sở hưu trí tuệ.
Bên cạnh đó cần sự tuyên tuyền phổ biến mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này để các chủ sở hữu bản quyền, cũng như các nền tảng phân phối và đơn vị sử dụng ý thức tuân thủ bản quyền.
Trong xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền, đặc biệt trên môi trường số liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước cần cơ chế phối hợp thực thi đồng bộ, nhanh chóng. Bởi trên môi trường số, giá trị nội dung có tính tức thì, đơn cử như một sự kiện livestreaming thì giá trị lớn nhất là tính tức thì. Đây là những vấn đề đặt ra trên môi trường số đòi hỏi cần phải có các biện pháp thực thi một cách nhanh chóng, hiệu quả.
TIỀM NĂNG BẢN QUYỀN LUÔN PHÁT TRIỂN Ở MỨC 2 CON SỐ
Thực tế hiện nay, những đơn vị,doanh nghiệp làm ăn bài bản đã mua bản quyền hình ảnh, nội dung… để phục vụ mục đích phát triển kinh doanh. Bản quyền sẽ mang lại những giá trị kinh tế, phục vụ hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường thế nào cho doanh nghiệp, thưa ông? Ông đánh giá gì về tiềm năng phát triển và giá trị kinh tế bản quyền hiện nay ở Việt Nam?
Tôi nhận thấy thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh bài bản đã ý thức rất rõ ràng việc tuân thủ bản quyền, trong đó có các thỏa thuận giao dịch mua bán, trao đổi với các chủ sở hữu bản quyền.
Trong thời gian qua, đây cũng là lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng, luôn phát triển ở mức 2 con số hàng năm. Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác và kinh doanh bản quyền là mô hình O2O2O, nghĩa là có sự đan xen giữa On Air, Online và Offline. Theo đó, khi khai thác kinh doanh bản quyền, giá trị nội dung có sự hiện diện, tiếp cận trên các phương tiện truyền thông đại chúng như trên truyền hình, báo chí, có sự tương tác trên các nền tảng online, sau đó sẽ đến các hành vi chuyển đổi, mua hàng, giao lưu offline và ngược lại.
Theo tôi, vai trò của các chủ sở hữu nội dung trong kiểm soát bản quyền ở cả 3 môi trường này như thế nào là rất quan trọng. Chủ sở hữu nội dung phải kiểm soát được giá trị tài sản của mình đang đi đâu, về đâu. Nếu không sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng bị các đối tác lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các chủ sở hữu nội dung trên từng nền tảng hoặc vô tình xâm phạm bản quyền người khác khi sản xuất, sáng tạo nội dung.
Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất trong thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền nói riêng hiện nay trên môi trường số?
Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất trong thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như bản quyền chính là nhận thức của những người tham gia vào lĩnh vực này, trong đó đặc biệt là chủ sở hữu nội dung và những người thụ hưởng bản quyền. Đôi khi chính những người thụ hưởng không hiểu hết hành vi của mình đang tiếp tay cho hành vi đánh cắp bản quyền.
Điều này đòi hỏi cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa truyền thông, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia hiểu đầy đủ, tuân thủ bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, hành lang pháp lý xử lý các hành vi vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam theo ông đã đủ sức răn đe?
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói cung và bản quyền nói riêng, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các công ước quốc tế.
Bên cạnh đó, đến nay, hành lang pháp lý quy định trong lĩnh vực này đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc thực thi các quy định trong thực tế. Pháp luật có tính răn đe và điều chỉnh. Khi nhận thức của các chủ thể đủ lớn sẽ hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền.
Tôi cho rằng, khi tất cả các cơ quan, đơn vị, người dùng ý thức tuân thủ bản quyền, trong thời gian tới, việc tuân thủ bản quyền nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung sẽ có những bước tiến mới.
Ông có lưu ý gì tới các tổ chức, doanh nghiệp trong bảo vệ và khai thác bản quyền trong môi trường số?
Bản thân các chủ sở hữu nội dung không ai mong muốn sản phẩm của mình bị vi phạm. Bảo vệ bản quyền nói chung và bảo vệ bản quyền số nói riêng cũng giống như mua bảo hiểm, không ai mong muốn mình xảy ra sự cố, vấn đề xẩy ra.
Việc bảo vệ bản quyền cần những tổ chức chuyên nghiệp, có đủ công cụ công nghệ, pháp lý, kết nối truyền thông, hợp tác với các đơn vị phân phối kinh doanh… để có thể xử lý khi gặp sự cố.
Các đơn vị, doanh nghiệp cần lưu ý, nếu khi gặp sự cố, tranh chấp mới suy nghĩ đến việc tìm đến các đơn vị liên quan để xử lý thì có thể xử lý xong vấn đề vi phạm bản quyền, giá trị tài sản của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề.
Vì vậy, các doanh nghiệp nên chủ động tìm đến những đơn vị có đủ công cụ để tư vấn, bảo vệ mình để thực hiện tuân thủ ngay từ đầu.
Việc tổ chức, doanh nghiệp đầu tư chi phí để bảo vệ bản quyền giống như chi phí bảo vệ tài sản vật lý, đơn thuần như xây tường rào, mua ổ khóa bảo vệ tài sản thông thường, chi phí này không quá lớn so với tài sản cần bảo vệ nhưng sẽ rất giá trị khi quyền bị xâm phạm.
Tôi cho rằng trong thời đại số hiện nay, cơ hội mở ra rất lớn, thị trường không có giới hạn. Khi tham gia kinh doanh trên môi trường số, các tổ chức, doanh nghiệp cần phải xác định bước lên sân chơi toàn cầu, phải tuân thủ triệt để các quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ và bản quyền của không chỉ Việt Nam mà cả thông lệ chung quốc tế. Nếu không, các doanh nghiệp sẽ không thể duy trì tồn tại lâu dài và phát triển bền vững, có thể đưa ra những IP, sản phẩm thành thương hiệu uy tín.